Môi trường nước nuôi cá La hán

Hình đại diện Môi trường nước nuôi cá La hán
Hình đại diện Môi trường nước nuôi cá La hán

Con cá La hán sống nhờ nước, cũng như con người nhờ có không khí để thở mới sống được. Nếu nước bị ô nhiễm chẳng khác nào không khí bị ô nhiễm.

Vì vậy nước nuôi cá La hán phải là thứ nước trong, sạch (người uống được) thì cá mới sinh trưởng tốt, tránh được tật bệnh, trong đó có bệnh ký sinh trùng ngoài da. Nguồn nước nuôi cá cảnh La hán thường được sử dụng là nước máy và nước giếng.

Nước máy thì trong sạch nhưng lại có chất clo. Để chất clo bay hơi, không gì hơn là phải hứng nước máy vào lu, khạp để chứa, có nghĩa phơi nước từ 24 giờ đến 48 giờ rồi mới đổ vào hồ nuôi cá (Nếu gặp ngày nắng tốt, chỉ cần phơi 12 giờ là đủ).

Nước giếng nếu thực sự tốt, không bị nhiễm phèn thì dùng nuôi cá La hán cũng được. Nhưng cũng nên múc chứa trước một đôi ngày vào bể chứa hay Iu, khạp. Trong thời gian này cần cân sục khí mạnh để nước tiếp xúc với oxy và sẽ oxy hóa các kim loại lẫn lộn trong nước giếng, rồi chúng lắng dần xuống đáy. Ta chỉ cần lấy phần nước bên trên để nuôi cá, nếu thấy độ pH thích hợp.

Độ pH trong nước được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng bảo quản cá nuôi. Ta nên biết cá nào cũng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường nước. Vì vậy, nếu độ pH sụt giảm đột ngột trong một thời gian ngắn có thể gây ra hậu quả đáng tiếc cho con cá quý của mình. Cá La hán thích hợp với nước có tính kiềm giữa khoảng 7 – 8. Dụng cụ đo pH có bán ở các cửa hàng cá kiểng. Đây cũng là dụng cụ cần thiết đối với người nuôi cá kiểng, sắm cũng không thừa.

ho-nuoi-ca-la-han

Ngoài ra, ta cũng cần chú ý đến nhiệt độ của nước ấm, lạnh ra sao. Cá La hán phát triển thích hợp ở nhiệt độ tương đối ấm, từ 28 đến 31°C.

Trong nước cũng cần có khoáng chất với lượng cần thiết mới giúp cá phát triển tốt. Chúng tôi muốn nói đến muối ăn. Muối đóng vai trò tạo sự ổn định cho cá. Muối được coi là phương thuốc vừa quý vừa rẻ tiền, có tác dụng giúp giết chết các loại ký sinh trùng và cung cấp điện tích Natri và clo, giúp môi trường sống của cá được ổn định.

Muối pha vào nước hồ (100g muối trong 100 lít nước) để tạo khoáng chất giúp môi trường cá đang sống trong hồ giống với môi trường sống tự nhiên bên ngoài. Muối được dùng ở đây là muối bột, muối ăn chứ không phải muối iốt (có hóa chất).

Muối được pha vào nước với nồng độ cao (một ký muối trong 100 lít nước) là dùng để trị một số bệnh ký sinh trùng bên ngoài thân cá. Cách chữa bệnh là bắt con cá bệnh thả vào sống tạm trong dung dịch này trong khoảng thời gian từ một đến hai giờ, sau đó vớt cá ra trả lại hồ nuôi như trước. Mặc dầu vẫn biết khả năng của cá La Hán chịu đựng được trong môi trường nước mặn, không những chỉ một phần trăm mà đến vài ba phần trăm trong thời gian từ vài ba mươi phút đến cả giờ, nhưng trong thời gian ngâm cá ta cũng nên để ý thăm chừng. Nếu thấy con có vẫn bơi lội bình thường thì không sao, nhưng nếu thấy cá bơi chao đảo, mất thăng bằng, thì phải vớt ra ngay. Sau đó ta thả lại cá vào hồ nuôi của nó.

Cách “ngâm” vào dung dịch nước mặn trong thời gian ngắn này sẽ diệt được các ký sinh trùng ngoài da, các vết thương nếu có cũng mau lành, đồng thời còn kích thích sự tiết chất nhầy của cá.

Nước chứa trong hồ nuôi cá La hán (và cả những loài cá kiểng khác) nếu để lâu ngày không thay sẽ dơ bẩn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cá. Nước bẩn một phần do chất thải của cá, và phần lớn là do thức ăn thừa của cá chất chứa lại của ngày này sang ngày khác phân hủy, sinh ra chất độc làm cho môi trường nước bị ô nhiễm, khiến cá bị bệnh. Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi là đến bữa ta chỉ cho cá La hán ăn vừa đủ no, không nên để thức ăn thừa vương vãi lại…

Nên thay nước hồ cá theo định kỳ, tốt nhất ba ngày một lần. Và mỗi lần thay chỉ khoảng 1/3 lượng nước trong hồ mà thôi. Việc thay một phần nước cũ (rà đầu ống hút sát mặt đáy hồ để loại bỏ hết cặn bẩn ra ngoài, rồi châm vào một lượng nước mới (đã được xử lý loại bỏ hết; chất độc như vừa trình bày ở trên) là nhằm bổ sung thêm lượng khí cần thiết và những nguyên tốt vi lượng trong nước giúp môi trường sống của cá trong sạch hơn, giúp cá có điều kiện sống khỏe mạnh hơn.

Do lẽ đó, ta không nên vì một lẽ nào đó mà kéo dài thời gian thay nước mới vào hồ cá. Việc làm này chẳng khác nào ta vô tình đầu độc chết con cá cưng trong hồ mà không hay biết.

Nước mới bổ sung vào hồ nên rót vào từ từ để cá có đủ thời gian quen với nước mới. Loài cá rất dị ứng với môi trường nước lạ, do đó chúng ta không nên thay hết một lần nước cũ bằng nước mới, thậm chí thay 2/3 hồ nước cũng không nên.

Thay nước hồ cá theo định kỳ là cách giúp môi trường sống của cá luôn luôn được sạch sẽ, đừng cả tin vào hệ thống lọc nước, vì không có hệ thống lọc nào có thể đảm bảo được nước hồ sạch hoàn toàn.

Điều xin được lưu ý là vào những ngày thời tiết xấu, như mưa bão, ta không nên thay nước hồ, vì trong điều kiện khí hậu như vậy áp lực không khí sẽ xuống thấp, khiến cá nuôi bị bệnh.

Để nguồn nước trong hồ cá được trong sạch luôn người nuôi cần trang bị thêm máy tạo oxy, máy lọc, bộ phận đo độ pH…

Máy tạo oxy

Đây là thiết bị cung cấp oxy trong nước hồ cá. Thiếu thiết bị này cả để bị chết ngạt do nước trong hồ vì bẩn nên chứa nhiều thán khí CO2. Máy tạo oxy hiện có bán tại các cửa hàng cá kiểng, do nhiều nước sản xuất.

Hệ thống lọc

Hệ thống lọc có tác dụng làm sạch nước trong hồ vốn ô nhiễm do chất thải của cá và do thức ăn thừa vương vãi trong hồ, bằng cách thu gom sạch những thứ dơ bẩn đó, nhờ đó mà không gây nguy hiểm đến sức khỏe của cá nuôi. Máy lọc còn đem bị một điều lợi rất lớn là tạo được dòng chảy trong nước giúp sức khỏe của cá được tốt hơn. Máy lọc có nhiều kích cỡ khác nhau: loại công suất nhỏ dùng cho hồ nhỏ loại công suất lớn dùng cho hồ lớn chứa được vài ba trăm lít nước trở lên.

Nên chọn loại máy đạt những tiêu chuẩn như động cơ đủ công suất, làm vệ sinh dễ dàng và không bị tắt nghẹt mới tốt.

Máy đo độ pH

Cũng nên thường xuyên kiểm tra độ pH nước trong hồ cá, nhờ đó mà duy trì độ pH ổn định, giúp cá La hán sống khỏe mạnh mà mau lên đầu, lên màu. Nên mua bộ đo độ pH có bán ở các cửa hàng cá kiểng, trong đó có hướng dẫn kỹ về phương pháp sử dụng.

Nếu nói đến việc trang trí cho hồ cá, mà không nhắc đến ngọn đèn chiếu sáng đặt riêng cho hồ e rằng thiếu sót. Ta cũng đã biết con cá La hán rất thích ánh sáng, và tất nhiên đối với chúng dùng loại ánh sáng nào cũng tốt như nhau. Thế nhưng, đa số người nuôi cả lại thích gắn đèn màu hồng, thứ ánh sáng này chiếu vào hồ làm tăng màu sắc của cá trở nên tươi đẹp hơn, lộng lẫy hơn.

Ban ngày, nếu vị trí đặt hồ sáng sủa thì không cần thiết phải mở đèn sáng. Chỉ có lúc chiều và đầu hôm mới cần bật đèn mà thôi: bắt đầu khoảng 16 giờ đến 20 giờ, hoặc trễ hơn một chút là vừa đủ. Vì khi ta đi ngủ thì cũng nên tắt đèn cho cá được yên tĩnh, nghỉ ngơi.

Cũng xin được nói thêm, nuôi cá La hán không cần phải bày biện các vật trang trí trong hồ như cách nuôi nhiều loại cá kiểng khác. Nếu ta có bày biện các thứ thì do bản năng hiếu động, cá La hán cũng lần lượt dời tới dời lui, khiến các vật ngã đổ làm rối trật tự cả lên. Chỉ nên đặt vào hồ một số ít viên sỏi là được. Cá La hán thích tìm đến ngậm những viên sỏi ở đáy hồ lên rồi lại nhả ra. Đây không phải là thú chơi đùa giải trí của cá La hán mà là cách chúng “phân định ranh giới” cho lãnh địa của chúng. Vì thế, sự hiện diện của những viên sỏi được đặt vào hồ này khiến cá La hán yên tâm hơn, tự tin hơn trong phần thổ cư của mình.