Kỹ thuật trồng bương mốc

Hình đại diện Kỹ thuật trồng bương mốc
Hình đại diện Kỹ thuật trồng bương mốc

Bương mốc còn có tên khác là Bương mốc ba vì, Bương lớn, Bương, Mạy tền, Mạy đền. Tên đồng nghĩa: Dendrocalamus aff. sinicus

Sản phẩm: chủ yếu lấy măng làm thực phẩm, kết hợp lấy thân khí sinh làm vật liệu xây dựng.

Đặc điểm hình thái bương mốc

Bương mốc là loài tre thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm thưa cây, cao từ 12 – 15m, đường kính từ 10 – 12cm, ngọn rủ; thân thẳng và tròn đều, nhẵn, nhỏ dần từ gốc tới ngọn, khi non có màu xanh nhạt và phủ phấn trắng. Một số đốt ở gần gốc thường có vòng rễ khí sinh, lóng hình trụ tròn, một số lóng gần gốc khá ngắn, lóng ở giữa thân dài trung bình từ 17 – 22cm, có khi dài tới 40cm, vách dày từ 1,5 – 2,3cm. Đốt có một dải lông tơ màu nâu và rộng khoảng 3 – 4mm. Chiều cao phân cành thường từ 3 – 5m, cành chính thường kém phát triển và không có gai.

Mo thân ở các đốt gần gốc, nơi không phân cành thì rụng muộn hoặc tồn tại trên thân; bẹ mo chất da dày, lúc đầu màu xanh vàng, dài hơn lóng, mặt ngoài có lông mềm và thưa, mặt trong phủ lông gai nhỏ giữa các gân. Cành nhỏ mang trung bình từ 7 – 9 lá, bẹ lá khi non phủ lông nhung, sau không lông, tai lá khuyết. Phiến lá dài từ 20 – 40cm, rộng từ 4 – 6,5 cm, hai mặt phủ lông mềm, thưa hoặc gần như không lông, gân cấp hai từ 10 – 13 đôi. Cành hoa có lá hoặc không lá, cụm hoa dạng chùy tròn, mỗi đốt cành hoa mang từ 1 đến nhiều bông hoa nhỏ, chiều dài lóng cành từ 2 – 4cm, phủ lông nhung; bông nhỏ hơi dẹt, dài từ 3 – 3,5cm, rộng từ 6,5 – 7,5mm, đầu nhọn, có từ 5 – 6 hoa nhỏ; hoa nhỏ tận cùng chỉ có mày ngoài; bao phấn dài từ 8 – 12mm, vòi rất dài (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2005).

Bương mốc

Bương mốc

Phân bố và đặc điểm sinh thái bương mốc

Phân bố hoặc nguồn gốc

Bương mốc hầu như chưa phát hiện thấy phân bố tự nhiên ở nước ta, thường chỉ gặp ở dạng rừng trồng hoặc trồng cây phân tán ở các tỉnh phía Bắc như: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và các huyện phía Tây của Hà Nội, nhiều nhất là ở huyện Ba Vì, riêng ở xã Ba vì, huyện Ba Vì, Hà Nội có tới 240ha. Chính vì vậy, khi nghiên cứu đặc điểm hình thái loài cây này ở Ba Vì, Nguyễn Hoàng Nghĩa (2005) đã đặt tên là Bương mốc ba vì. Không rõ loài cây này có nguồn gốc từ đâu và trồng ở đây từ khi nào, nhưng người dân ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội cho rằng khi người Dao di cư từ nơi khác tới định cư ở đây đã mang theo loài cây này trồng cách đây khoảng hơn 100 năm trước. Rừng trồng tập trung chủ yếu ở vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì thành những đám có diện tích nhỏ từ 0,5 – 3,0ha. Còn lại là trồng phân tán xung quanh nhà, ven khe suối, xen cây ăn quả trong vườn hộ gia đình (Vũ Quốc Phương, 2013). Khi nghiên cứu thành phần các loài tre trúc ở Việt Nam, nhóm chuyên gia Việt Nam đã phối hợp với chuyên gia Trung Quốc khẳng định Bương mốc là một loài mới của Việt Nam (V.T.Nguyen và cộng sự, 2012).

Một số đặc điểm sinh thái

Thông qua các mô hình trồng thực tế ở huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng như một số tỉnh vùng Tây Bắc nước ta cho thấy Bương mốc thích hợp với khí hậu nhiệt đới mưa mùa, có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, nhiệt độ trung bình hằng năm từ 20 – 24°C, lượng mưa trung bình hằng từ 1.500mm trở lên. Độ cao từ 80 – 800m so với mực nước biển, nhưng thích hợp nhất là từ 80 – 300m. Độ dốc từ nơi khá bằng phẳng lên tới 35 độ, nhưng thích hợp nhất ở những nơi có độ dốc từ 10 – 20 độ. Có thể trồng Bương mốc trên nhiều loại đất khác nhau, độ dày tầng đất từ 50cm trở lên, nhưng tốt nhất là đất có tầng từ trung bình đến dày (>70cm), phát triển trên các loại đá mẹ phiến thạch sét, diệp thạch, sa thạch, đá vôi, hay đất dốc tụ và bồi tụ giầu mùn ở ven các khe cạn hay ven suối, đất tơi xốp, ẩm thường xuyên và thoát nước tốt.

Kỹ thuật tạo giống bương mốc

Đối với cây Bương mốc ở nước ta hiện nay thường sử dụng phương pháp nhân giống vô tính là chủ yếu, có thể tạo giống từ 2 loại vật liệu là: hom gốc và hom cành. Nhưng hom cành có thể nhân giống bằng 2 phương pháp là giâm hom và chiết (Lê Văn Thành, 2012; Vũ Quốc Phương, 2013). Vì vậy, có thể gọi là 3 phương pháp tạo giống như sau:

Tạo giống bằng phương pháp giâm hom gốc

– Chọn hom gốc:

Chọn những cây Bương mốc trong các bụi có những cây mẹ khỏe mạnh, không cụt ngọn, không sâu bệnh, cây còn non từ 1 – 1,5 năm tuổi.

– Tạo giống hom gốc:

Dùng dụng cụ chuyên dùng như cuốc, xẻng bới đất xung quanh gốc đến hết phần thân ngầm (củ), dùng dao sắc chặt đứt phần thân ngầm đính với gốc cây mẹ, sao cho không bị dập thân ngầm và chồi ngủ; cắt bỏ phần thân khí sinh chỉ để lại 4 – 6 lóng gần gốc với chiều dài từ 1 – 1,5m, giữa lóng cuối cùng cắt vát một góc 45 độ, cắt ngắn rễ chỉ để lại từ 2 – 3cm, hom gốc có thể đem đi trồng ngay, sau khi trồng 1 tháng các mắt trên thân khí sinh đã bắt đầu nẩy chồi với những măng nhỏ dài khoảng 10cm là đảm bảo chất lượng tốt. Hom gốc cũng có thể giâm trong vườn ươm khi thấy mắt trên thân khí sinh bắt đầu nẩy chồi thì đem trồng.

– Thời vụ tạo giống hom gốc:

Tạo hom gốc và trồng ngay vào vụ Xuân là tốt nhất, hoặc vụ Xuân – Hè cũng cho tỷ lệ sống cao, tuyệt đối không tạo giống vụ Thu – Đông. Với loại giống này, tỷ lệ sống của rừng trồng có thể đạt trên 90%.

Tạo giống bằng phương pháp giâm hom cành

– Chọn hom cành:

Chọn những cây mẹ to, cao, khỏe mạnh, không cụt ngọn, còn non đang ở giai đoạn từ 8 tháng đến 1 năm tuổi; trên thân cây mẹ chọn những cành chính có đường kính (Ø)>1,5cm, cành làm hom càng gần phía gốc càng tốt.

– Giâm hom cành:

Cắt lấy phần đùi gà sát với thân cây mẹ, cắt bớt phần ngọn chỉ để lại 3 – 4 lóng gần gốc cành, đồng thời có ít nhất 2 mắt còn tươi, có khả năng nẩy chồi. Tạo hom xong, nhúng phần đùi gà vào dung dịch thuốc kích thích ra rễ IBA, nồng độ 2.000ppm, sau đó giâm hom vào bầu đất đã đóng sẵn xếp trong vườn ươm.

than cay buong moc

Thân cây bương mốc

Vỏ bầu sử dụng túi polyetylen cỡ 14 x 20cm hoặc 15 x 22cm, đục 4 – 6 lỗ xung quanh hoặc cắt 2 góc phía dưới để thoát nước. Hỗn hợp một bầu gồm 90% đất tầng A kết hợp với 9% phân chuồng hoai và 1% supe lân Lâm thao. Sau 50 ngày giâm hom, tỷ lệ ra rễ có thể đạt >75%. Khi cây hom ra măng trên các đốt của cành và những măng đó ra lá non thì đạt tiêu chuẩn xuất vườn đem trồng.

– Thời vụ giâm hom cành:

Tốt nhất là vụ Xuân hoặc Xuân – Hè, với loại giống này thì tỷ lệ sống của rừng trồng có thể đạt từ 95 – 100%.

Tạo giống bằng phương pháp chiết cành

– Chọn cành chiết:

Chọn cành chiết cũng giống như chọn cành để giâm hom ở phần trên, nhưng chỉ cắt bỏ phần ngọn cành mà không cắt rời phần đùi gà ra khỏi cây mẹ.

– Chiết cành:

Sử dụng dung dịch thuốc kích thích ra rễ IBA, nồng độ 1.500ppm quét xung quanh phần đùi gà, ngay sau đó dùng 200 – 300g hỗn hợp đất giống như hỗn hợp một bầu ở phần giâm hom nhưng làm nhuyễn với nước lã rồi bó vào xung quanh phần đùi gà, dùng vải nilon bọc bên ngoài, dùng lạt tre hoặc dây nilon buộc 2 đầu để cố định.

Sau khoảng 2 tuần thì số cành chiết đã ra rễ 100%, khi rễ ra kín khoảng 80% bề ngoài bầu đất có thể nhìn thấy qua lớp vải nilon và rễ chuyển từ màu trắng sang màu trắng vàng thì có thể cắt cành chiết rời khỏi thân cây mẹ. Cành chiết có thể trồng ngay hoặc giâm trong vườn ươm cho đến khi ra 1 thế hệ măng từ gốc hom và măng ra đủ lá là đủ tiêu chuẩn xuất vườn.

– Thời vụ chiết cành:

Chiết cành vào vụ Xuân hoặc Xuân – Hè là tốt nhất, không chiết cành vào vụ Thu – Đông.

Kỹ thuật trồng bương mốc

Do Bương mốc mới thấy trồng ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, chưa có những nghiên cứu gây trồng mở rộng ra các vùng khác, nên trong phạm vi phần này chỉ giới hạn ở vùng núi phía Bắc và những vùng có điều kiện sinh thái tương tự.

– Chọn nơi và đất trồng

Những nơi có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, nhiệt độ trung bình hằng năm từ 20 – 24°C, lượng mưa trung bình hàng từ 1.500mm trở lên. Độ cao dưới 800m so với mực nước biển, thích hợp nhất là dưới 300m. Độ dốc dưới 35 độ, nhưng tốt nhất là từ 10 – 20 độ. Có thể trồng Bương mốc trên nhiều loại đất khác nhau, độ dày tầng đất từ 50cm trở lên, nhưng tốt nhất là đất phát triển trên các loại đá mẹ phiến thạch sét, diệp thạch, sa thạch, đá vôi, hay đất dốc tụ và bồi tụ, giầu mùn ở ven sông suối, đất tơi xốp, ẩm và thoát nước tốt.

– Thời vụ trồng

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có thể trồng Bương mốc từ tháng 2 – 4 hoặc từ tháng 7 – 8 hàng năm, trồng vào những ngày có mưa hoặc râm mát.

– Phương thức và mật độ trồng

Tùy thuộc vào đặc điểm địa hình cụ thể của nơi trồng rừng, có thể áp dụng một trong những phương thức sau: i/ Trồng tập trung thuần loài; ii/ Trồng phân tán. Nếu trồng tập trung thuần loài có thể trồng theo từng lô không quá 3,0ha/lô, mật độ có thể trồng từ 100 – 625 khóm/ha. Tuy nhiên, phổ biến là 210 – 330 khóm/ha, tức là cự ly hàng cách hàng từ 6 – 8m, khóm cách khóm trên hàng từ 5 – 6m. Nếu trồng phân tán có thể trồng quanh nhà, trong vườn hộ xen với cây ăn quả hoặc cây gỗ, bên bờ ao, ven suối… khóm nọ cách khóm kia ít nhất 5m.

– Xử lý thực bì

Nơi đất dốc ≥15 độ thường áp dụng phương thức xử lý thực bì cục bộ theo rạch rộng từ 1,5 – 2m, chỉ phát toàn diện trên rạch chặt, xác thực vật được xếp theo hàng sát băng chừa nhưng ở phía dưới dốc của băng chặt để hạn chế xói mòn đất. Nơi địa hình tương đối bằng phẳng hoặc hơi dốc (<15 độ) có thể xử lý thực bì toàn diện bằng cơ giới hoặc thủ công, phát toàn bộ thực bì trên diện tích đã thiết kế trồng rừng, xác thực vật được gom lại và xếp trên các đường lô hoặc xếp theo hàng xen giữa các hàng dự kiến cuốc hố trồng rừng. Công việc này được hoàn thành trước khi trồng ít nhất là 30 ngày.

– Làm đất

Chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, dùng các dụng cụ chuyên dùng đào hố với kích thước là 40 x 40 x 40cm hoặc 50 x 50 x 40cm, khi đào hố chú ý để lớp đất mùn tầng mặt sang một bên và lớp đất tầng dưới sang một bên, hố được đào trước khi trồng ít nhất là 15 ngày.

– Bón lót và lấp hố

Bón lót từ 15 – 20kg phân hữu cơ/hố (phân chuồng, phân xanh), hoặc bón 3kg phân hữu cơ vi sinh kết hợp với 0,7 kg NPK (5.10.3)/hố, sau đó dùng cuốc gạt lớp đất mặt đã đào ở hố lên và gạt lớp đất mặt xung quanh hố xuống cho tới khi đầy 2/3 hố, đảo đều phân và đất trong hố, tiếp tục gạt lớp đất còn lại đã đào ở hố lên cho ngang bằng miệng hố. Công việc này phải hoàn thành trước khi trồng từ 10 – 15 ngày, nếu bón phân xanh thì công việc làm đất và bón phân phải hoàn thành trước khi trồng ít nhất 30 ngày để ủ hoai phân.

– Kỹ thuật trồng

Nếu trồng bằng hom gốc cần phải cắt ngắn rễ từ 2 – 3 cm và hồ gốc bằng cách nhúng thân ngầm (củ) xuống nước vài giờ, sau đó nhúng xuống bùn loãng. Khi trồng (kể cả trồng bằng hom gốc, hom cành giâm và hom cành chiết), dùng cuốc tạo một lỗ chính giữa hố, độ sâu đảm bảo sao cho phần thân ngầm hay bầu đất thấp hơn mặt đất xung quanh khoảng 5cm; nếu là hom gốc thì đặt cây giống xuống lỗ, xoay ngửa phần nõm của thân ngầm lên trên, phần thân khí sinh nghiêng một góc 60 độ hướng về phía đỉnh dốc hoặc về cùng một hướng song song với đường đồng mức, điều chỉnh sao cho 2 hàng mắt mầm hướng sang hai bên; nếu là hom cành kể cả cành chiết đã ra 1 thế hệ măng thì bóc bỏ vỏ bầu, đặt cây thẳng đứng trong hố. Tiếp theo là vun đất vào gốc, nén chặt xung quanh nhưng tránh không được làm tổn thương đến các mắt mầm hoặc vỡ bầu, vun đất hình mai rùa và cao hơn mặt đất xung quanh khoảng 4 – 5cm hoặc cao đến 1/2 lóng thứ nhất của hom. Sau đó tủ rơm, rạ, cỏ, rác khô xung quanh gốc cây để giữ ẩm, tưới nước đủ âm cho đất xung quanh gốc cây.

Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng rừng

– Trồng dặm

Sau khi trồng từ 1 – 2 tháng cần kiểm tra và tiến hành trồng dặm cây chết hoặc thay thế những cây hom có nguy cơ chết, khả năng sinh trưởng kém bằng những cây hom đảm bảo tiêu chuẩn dự phòng ở vườn ươm. Nếu gặp thời tiết nắng nóng khô hạn cần tưới nước đủ ẩm thường xuyên vào buổi sáng sớm hay buổi chiều tối cho đến khi nẩy chồi.

– Kỹ thuật chăm sóc rừng

Chăm sóc trong 3 năm đầu, năm thứ nhất chăm sóc từ 2 – 3 lần tùy theo thời vụ trồng (trồng vụ Xuân thì chăm sóc 3 lần, trồng vụ Hè – Thu thì chăm sóc 2 lần); năm thứ 2 và thứ 3, mỗi năm 3 lần, lần thứ nhất chăm sóc vào đầu năm (mùa Xuân), lần thứ hai chăm sóc vào giữa năm (Hè – Thu) và lần thứ ba vào cuối năm kết hợp phòng chống cháy rừng (mùa Đông). Nội dung chăm sóc chủ yếu là phát dây leo, cây bụi, rẫy cỏ, xới xáo xung quanh gốc cây với đường kính rộng 1m.

Trong quá trình chăm sóc từ năm thứ 2 trở đi chú ý chặt bỏ những cành nhánh sát mặt đất, chặt bỏ cây già, cây bị sâu bệnh hoặc bị gẫy dập. Đặc biệt là điều chỉnh độ tàn che sao cho đảm bảo dưới 25% nếu là trồng hỗn giao hoặc trồng xen với cây ăn quả hoặc cây gỗ. Thường xuyên theo dõi và kiểm tra phát hiện sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Tuyệt đối ngăn chặn lửa rừng và gia súc phá hoại măng cũng như cây trưởng thành.

– Kỹ thuật nuôi dưỡng rừng

Khi rừng trồng hoặc bụi Bương mốc đã già cỗi, năng suất thấp, cây mẹ nhỏ dần… có thể bón thúc mỗi năm 1 lần vào đầu mùa mưa, mỗi gốc bón từ 15 – 30kg phân hữu cơ kết hợp với 0,5 – 0, 7kg NPK (5:10:3), đào rãnh rộng khoảng 20cm, sâu khoảng 25cm xung quanh gốc và cách gốc cây từ 30 – 40cm, rải phân đều trong rãnh và lấp đất, vun tiếp đất vào gốc cây, cao hơn mặt đất xung quanh khoảng 5cm. Đồng thời chặt tỉa cây già chỉ để lại mỗi bụi 7 cây theo tỷ lệ 3:3:1,  tức là 3 cây 1 năm tuổi, 3 cây 2 năm tuổi và 1 cây 3 năm tuổi (Vũ Quốc Phương, 2013).

Kỹ thuật khai thác và sử dụng măng

– Kỹ thuật khai thác

Măng Bương mốc

Măng Bương mốc

Sản phẩm chính của Bương mốc là măng làm thực phẩm, thời vụ khai thác chính từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, trong đó tập trung nhiều nhất từ tháng 6 – 8, chỉ khai thác những măng đã lên khỏi mặt đất từ 30 – 40cm vào buổi sáng sớm. Tại thời điểm giữa vụ măng (từ tháng 6 – 8), chọn 3 – 4 măng to khoẻ phân bố đều trong khóm để lại làm cây mẹ sinh măng cho vụ sau, còn lại khai thác hết. Dùng dụng cụ chuyên dùng như cuốc, xẻng, thuổng… bới hở toàn bộ cây măng cho đến tận củ.

Tiếp theo là dùng dụng cụ thật sắc để cắt măng tại vị trí phình to nhất của măng, tránh không làm dập vỡ hay làm tổn thương đến mắt mầm ở phần còn lại. Sau khi khai thác chưa nên lấp đất ngay, cần phơi nắng phần thân ngầm còn lại vài ngày rồi mới lấp đất. Có thể dùng nước vôi loãng quét lên vết cắt ở phần thân ngầm còn lại để phòng chống nấm bệnh hại làm mất khả năng sinh măng năm sau. Lấp đất kín phần thân ngầm và vết cắt, ấn chặt vừa phải phần đất xung quanh.

– Sử dụng

Măng Bương mốc có hàm lượng đường tổng số gần 26%, gluxit khoáng 30%, nên ăn khá ngon, có thể sử dụng để ăn tươi như: luộc, sào hay hầm với xương lợn hoặc gà… Ngoài ra, có thể muối, sấy làm măng khô hay đóng hộp xuất khẩu.