Kỹ thuật nuôi lươn thịt

Hình đại diện Kỹ thuật nuôi lươn thịt
Hình đại diện Kỹ thuật nuôi lươn thịt

Lươn là loài cá sống chui rúc ở dưới bùn, điều tiên quyết để nuôi lươn có kết quả là phải đảm bảo nguyên tắc: Lươn không bò trốn đi mất, tạo môi trường sống tương tự gần giống với chúng sống ở ngoài thiên nhiên.

Tùy điều kiện: địa hình, quản lý, chăm sóc, giống lươn, thức ăn, phòng trị bệnh tật… mà có các hình thức nuôi lươn thịt khác nhau.

Bể xây nuôi lươn

Chọn nơi dễ lấy nước vào và thoát nước ra, nước chảy quanh năm càng tốt.

Bể nuôi lươn có nhiệm vụ chính là ngăn chặn, nhưng cũng nên phù hợp với điều kiện sống tự nhiên của lươn. Trước hết, bể phải đảm bảo độ cao để lươn không vượt qua được. Độ cao tối đa mà lươn có thể dựng thân vào tường để ngoi lên là 2/3 chiều dài thân chúng (ví dụ: lươn dài 60 cm có khả năng dựng thân tới 40 cm). Thứ hai, không nên xây bể quá rộng vì khó chăm sóc. Chiều dài của mỗi bể nuôi có thể từ 2 -5 m. Nếu có địa thế xây dài thì nên ngăn thành nhiều bể.

Một số cơ sở đã xây bể theo kích thước: rộng 1 m, dài 3 – 5 m và cao 1 -1,2 m: bằng gạch, đá, trát xi măng.

Tốt nhất là bể được xây chìm dưới mặt đất từ 20 -40 cm, đáy đổ lớp bùn nhuyễn cũng khoảng 20 -40 cm, lớp nước 10-20 cm. Ở một đầu bể, ta đổ một lớp dất sét pha thịt cao 50 -60 cm, rộng ít nhất 40 -50 cm để lươn vào làm tổ. Phía trên lớp đất trồng cỏ, rau khoai… để giữ đất và che mát. Cần bố trí một nơi cố định trong bể làm chỗ cho lươn ăn để tiện việc theo dõi lươn ăn và làm vệ sinh khi thức ăn còn thừa.

Bể nuôi lươn không nên để trống ngoài trời, có thể làm mái che thoáng, hoặc giàn cây leo phía trên, hoặc thả bèo tây 1/2 diện tích mặt nước.

Bể nuôi lươn

Bể nuôi lươn 1. Thành bờ, 2. Đáy bờ,3. Mặt nước, 4. Lớp bùn, 5. Cửa nước vào, 6. Cửa nước ra, 7, Mặt đất.

Đáy ao bằng đất sét trộn với cát vôi. Cách đáy ao khoảng 40 cm có lỗ cống thoát nước hình tròn, miệng cống có thiết bị chắn cho lươn không trốn đi.

Bể xây cao 1 -1,5 m. Đáy cho một lớp đất giàu mùn, dày 20 -30 cm, thả thêm rong làm tổ cho lươn.

Thành bể cao hơn mặt nước 30 cm. Mép tường trên có gờ để chống lươn tuồn ra ngoài.

Ao nuôi lươn

Chọn nơi đất cứng, đào sâu 20 – 40 cm lấy đất đào ao đắp bờ, bờ cao 40 -60 cm rộng 1 m, bờ phải nện chặt từng tầng lớp một, đáy ao sau khi đào xong cũng phải nện chặt, có điều kiện đáy ao lót một lớp giấy dầu và một lớp ni lông khắp đáy và bờ tường rồi phủ một lớp bùn hay bùn trộn cỏ, dày 20 -30 cm.

Trong ao có thể thả một ít bèo tây hay bèo cái làm nơi trú ẩn cho lươn.

 

Ao nuôi lươn

Ao nuôi lươn 1. Cửa dần nước vào,2. Mặt nước, 3. Cửa thoát nưởc,4. hớp bùn.

Xung quanh ao trồng một ít cây có giàn để mùa hè che mát giảm bứt nhiệt độ nước ao.

Ở ao lớn có thể thả thêm bó rơm, cỏ mục trong ao, lươn thích rúc vào đó tìm mồi ăn.

Mức nước ở ao độ ngập: 10 -15 cm để lươn nằm trong hang luôn ngóc đầu lên thở là đớp mồi, mức nước sâu quá lươn bơi tốn năng lượng, ảnh hưởng đến sức lớn.

Thả lươn giống

Mua lươn giống ở chợ về phải chọn rất nghiêm túc (mỗi kg khoảng 30 -40con) thân hình khỏe, không bị thương, đặc biệt không mua lươn câu để làm lươn giống.

Trước lúc thả cần sát trùng bằng cách thả lươn giống vào dùng dịch xanh malaxit 10 ppm trong 25 – 30 phút, ở nhiệt độ 24 -26°c để trị bệnh nấm, hoặc thả lươn vào dung dịch nước muối 3 -4% trong 4-5 phút nhằm trị bệnh ký sinh trùng.

Nếu thấy lươn lao lên mặt nước chứng tỏ chúng có phản ứng, cần vớt kịp thời ra nước sạch tắm 1-2 lần rồi thả vào ao nuôi.

Mật độ thả

Dùng vôi tẩy ao trước khi thả 7-10 ngày, cho 0,2 kg/m2 ao để diệt các mầm bệnh.

Lươn giống cỡ 10 -15 cm, thả mật độ 50 – 60 con/m2 (1 -1,5 kg/m2), thả cùng cõ’.

Thức ăn

Nhìn chung nên dùng thức ăn sẵn có, rẻ tiền như sâu bọ, giun, nòng nọc, nhộng tằm, tôm tép, cá vụn, phế phẩm các lò mổ, thịt trai, hến… Khi thiếu thức ăn động vật có thể cho lẫn một ít cơm, mì sợi, cám.

Không cho lươn ăn thức ăn đã ươn thối.

Hệ số thức ăn 7 -8/1 với giun đất, 10/1 với thịt trai, hến…

Chăm sóc ao nuôi

Mùa lớn của lương từ tháng 4-10, lớn nhanh từ tháng 5-9. Quá trình chăm sóc cần chú ý:

Cho ăn định giờ và định lượng

Lượng thức ăn cho mỗi ngày bằng 5 – 7% trọng lượng lươn trong ao. Nếu cho ăn nhiều lươn tham ăn dễ bội thực và chết, cho ăn thiếu lươn chậm lớn.

Hàng ngày cho ăn lúc 6-7 giờ tối, sáng hôm sau vứt bỏ thức ăn thừa đề phòng thối nước ao.

Trong thời kỳ đầu cần luyện cho lươn con quen ăn được nhiều loại thức ăn bằng cách để đói vài ngày, sau đó trộn lẫn giun và các thức ăn khác vứt xuống, lươn đói sẽ ăn tất cả các thứ, tránh chỉ cho ăn mãi một loại thức ăn lươn sẽ không ăn loại khác rất khó xử lý trong quá trình nuôi.

Luôn giữ nước ao trong sạcH

Khi thấy nước có hiện tượng thối bẩn, cần thay nước ngay. Nên trồng các loại cây chịu nước để làm sạch nước, tạo môi trường sinh thái thích hợp (làm mát và sạch nước ao, giảm bớt số lần thay nước…).

Khi mưa to kịp thời tháo bớt nước tránh làm tràn lươn đi mất. Mùa hè làm giàn che trên mặt ao.

Bón phân

Đến mùa sinh sản cần thả các bó cây khô, lươn cái thành thục sau khi đẻ lươn con bám vào đó, vớt lươn con sang nuôi ao khác, lươn con chủ yếu ăn động vật phù du, nhờ có bón phân mới có.

Nuôi lươn qua đông

Khi nhiệt độ nước xuống thấp 10 – 12°c cuối mùa thu, đầu mùa đông, lươn ngừng ăn và chui xuống bùn, chưa đạt cỡ lươn giống cần lưu lại cho năm sau. Tháo cạn nước ao chỉ còn nước sâm sấp mặt bùn, phủ dày rơm rạ lên trên, lươn rúc trong bùn được che ấm.

Phòng lươn bỏ trốn

Lươn rất hay bò đi nơi khác nhất là lúc trời mưa liên tục, lỗ công bị thủng, đáy ao bị nứt nẻ… lươn chui ra ngoài. Vì vậy phải thường xuyên kiểm tra phát hiện kịp thời sửa chữa.

Phòng gia súc, gia cầm ăn hại. Buổi tối lươn ngoi lên cạn có thể bị mèo, chuột bắt ăn.