Phân loại chậu cảnh

Hình đại diện Phân loại chậu cảnh
Hình đại diện Phân loại chậu cảnh

Như trên đã nói ở bài giới thiệu về chậu cảnh, chậu cảnh nghĩa là cảnh ở trong chậu. Dựa vào vật liệu, kích thước, trọng lượng của chậu cảnh mà ta có thể phân loại chậu cảnh như sau:

Căn cứ vào vật liệu tạo ra nó người ta có thể chia ra 2 loại lớn

+ Chậu cảnh cây xanh: Vật liệu chủ yếu là cây. Ở ta thường gọi là cây cảnh. Song từ cây cảnh chưa bao quát được hết. Bởi vì tuỳ theo hình dáng của cây, tuỳ theo dụng ý tạo cảnh của tác giả mà đặt vào chậu như thế nào cho phù hợp thì mới mang lại giá trị thẩm mĩ cao.

+ Chậu cảnh Sơn thuỷ (đá nước): Ở ta thường gọi là non bộ. Vật liệu tạo cảnh chủ yếu ở đây là đá; tuỳ theo ý đồ tạo cảnh của tác giả mà có thể bày thêm phối kiện như thuyền, người, ngựa v.v… Tuy vậy còn có loại hình cây kí đá trên non bộ; ở đây để tạo cảnh toàn non bộ, bản thân riêng cây đó chưa phải là cảnh. Trung Quốc còn xuất hiện loại hình trung gian giữa chậu cảnh cây xanh và chậu cảnh Sơn thuỷ là chậu cảnh thuỷ hạn. Tức là có đá nước và đất để trồng cây.

+ Chậu cảnh hoa thảo: Lan, Cúc, Sen cạn, Trà mi, Trúc v.v…

Dựa vào trọng lượng

+ Chậu cảnh một tay: ý nói chỉ 1 tay có thể làm được

+ Chậu cảnh 2 tay: là loại dễ di chuyển, và thịnh hành.

+ Chậu cảnh 4 tay: hai người khiêng.

Dựa vào kích thước chia ra

+ Chậu cảnh mini: Cao thấp hơn 10cm.

+ Chậu cảnh loại nhỏ: Cao từ 10 – 40cm.

+ Chậu cảnh loại vừa: Cao từ 40 – 80cm đây cũng là loại phổ thông nhất.

+ Chậu cảnh loại lớn: Cao từ 80 – 150cm.

+ Chậu cảnh cực lớn: Cao trên 150cm.

Các hình thức biểu hiện của chậu cảnh cây xanh

Dáng trực

Thân cây thẳng đứng, cành nằm ngang phân bố đều bốn phía và giảm dần khiến cho tán cây có dạng hình chóp. Dáng trực biểu hiện sự khoẻ mạnh vững chãi. Kiểu dáng này có thể là một thân (cây), hai thân (song thân) là tuỳ ý tác giả định miêu tả nội dung gì. Đây là dáng cây thường gặp.

Dáng xiêu (còn gọi là dáng nghiêng)

Do góc độ nghiêng khác nhau mà có người còn gọi dáng xiêu cho cây có góc hẹp, dáng nghiêng cho cây có góc nghiêng rộng hơn. Thân chính nghiêng, cành chính thường mọc ra theo hướng đối ngược với hướng nghiêng của thân, như vậy nhìn dáng cây sống động, thuận mắt, biểu hiện tư thế cây nghiêng tự nhiên.

Dáng ngọa (nằm ngang)

Thân chính gần như nằm ngang mặt đất. Dùng để biểu hiện tư thế cổ thụ, sức sống ngoan cường, trong đó biểu hiện hàm ý giữa khổ và vinh, hưng và thoái, động và tinh.

Dáng huyền

Thân chính nghiêng quá 90° mà thõng xuống, cành lá như là được treo bên cạnh chậu. Biểu hiện cây già bám vào vách (đá) núi có vẻ đẹp kiêu hùng.

Từ 4 dáng cơ bản trên người ta còn có thể tạo ra rất nhiều kiểu dáng khác nhau như: thân gấp khúc (dáng trực gấp khúc, dáng xiêu gấp khúc, thân xoắn, xiêu (nghiêng) hồi đầu hoặc dáng xiêu ở dạng bạt phong (gió thổi).

Để tạo cho cây có dáng vẻ cổ lão người ta có thể tạo những chậu cảnh thân khô, hoặc thân rỗng mục; khô đỉnh ngọn. Biểu hiện sự sống ngoan cường; tuy khô ngọn, khô thân sức sống vẫn mãnh liệt qua cành lá xum xuê.

Người ta cũng có thể trồng nhiều thân trong chậu như 3 cây hoặc nhiều hon nữa gọi là dáng rừng cây (tùng lâm).

Ngoài biểu hiện thân cây, người ta cũng còn trồng các cây để thưởng thức bộ rễ như kiểu rễ nổi, rễ hình rơm, rễ bám đá, rễ rủ, rễ huyền v.v…

Cành, lá cũng được dùng để biểu hiện theo những chủ để nhất định như cành rủ. Kiểu cành rủ thường kết hợp với thân nghiêng (xiêu) nhìn có nét đẹp hơn; thường dùng với các loài cây có cành rủ tự nhiên như liễu, tràm bông đỏ, sơn liễu v.v…

Cành nằm ngang có tư thế nghiêm trang, tự tại; Người ta có thể tạo ra những cành nằm ngang hoặc lợi dụng dáng tự nhiên của cây như các cây bách tán, bàng.

Cành gió thổi (còn gọi là bạt phong) do bàn tay khéo léo của nghệ nhân cắt tỉa, hoặc uốn để tạo dáng bay bướm, sống động của kiểu cành này. Đây là sự kết hợp giữa tĩnh và động, thực và hư trong kiểu dáng này.

Kiểu tượng hình: Bằng thủ pháp cắt tỉa hoặc uốn, nghệ nhân có thể tạo dáng cây theo hình người, hình một số con vật hoặc những biểu tượng đền, tháp v.v… Các con vật thông thường như hươu nai, lý ngư vượt vũ môn, trong đó phủi kể đến bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) nổi tiếng ở vườn trước toà thánh Tây Ninh và tháp cổ Lễ của gia đình ông Nguyễn Văn A ở Nam Điền (Nam Định)

Các dáng cây cơ bản Trực, xiêu, hoành (ngọa), huyền.

Các dáng cây cơ bản Trực, xiêu, hoành (ngọa), huyền.

Kiểu chậu cảnh hoa thảo. Vật liệu chính là các loài hoa thảo và cây thân gỗ có hoa. Thông qua bài trí, sắp xếp có thể phối trí với đá, với phối kiện để tạo nên cảnh hợp lý, tăng thêm vẻ tú lệ của chậu hoa. Kiểu chậu cảnh này vừa thưởng thức danh hoa phương thảo lại vừa có mĩ cảm của tạo hình. Các loài hoa thảo thường dùng là Lan, Cúc, Đỗ quyên, Trà mi, Thuỷ tiên, Trúc v.v…

Hình thức chậu cảnh hoa thảo có thể trồng đơn (một loài cây) hoặc trồng phối hợp nhiều loài cây và cả hình thức trồng hỗn hợp với loài cây gỗ. Ở ta hình thức trồng phối hợp tượng trưng kết hợp tài sắc là cây quỳnh, cành giao; trồng đơn như chậu trúc có trang trí phối kiện.

Ở Trung Quốc còn có chậu cảnh kiểu thư pháp, uốn cây theo hình chữ hán, kiểu chữ tháo hoặc cách điệu có nét đặc sắc riêng. Những năm gần đây người Trung Quốc cũng sản xuất kiểu chậu cảnh treo tường. Đây đúng là bức tranh lập thể, có sinh mệnh, bức tranh sống treo trên tường khá độc dáo. Kiểu chậu cảnh treo tường có thể vừa kết hợp đá với cây hoặc nét họa với cây tạo thành bức tranh hài hoà, có đậm có nhạt, có xa có gần v.v…