Giải phẫu cơ quan sinh dục bò cái

Hình đại diện Giải phẫu cơ quan sinh dục bò cái
Hình đại diện Giải phẫu cơ quan sinh dục bò cái

Cơ quan sinh dục bò cái gồm hai phần: bộ phận sinh dục bên ngoài và bộ phận sinh dục bên trong

Bộ phận sinh dục bên ngoài

Sơ đồ vị trí của các bộ phận đường sinh dục bò cái

Sơ đồ vị trí của các bộ phận đường sinh dục bò cái

1. Âm hộ 5. Thân tử cung 8. Phễu hứng (loa kèn) 2. Tiền đình 6. Sừng tử cung 9. Buồng trứng 3. Âm đạo 7. ống dẫn trứng (ống trứng) 10. Bọng đái 4. Cổ tử cung 11.Trực  tràng

Từ ngoài vào trong đường sinh dục bò cái gồm các bộ phận chính như:âm hộ, âm vật, tiền đình, âm đạo, tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng

Âm hộ

Là bộ phận nằm ngay dưới âm môn, là cơ quan đầu tiên của đường sinh dục cái, phía ngoài có 2 môi khép kín vào nhau tạo thành rãnh giữa 2 môi. Bình thường âm hộ có màu đen, có nhiều tuyến chất nhờn, giữa 2 môi có rãnh luôn được khép kín để bảo vệ các bộ phận bên trong, đồng thời cũng là lối đưa ống tinh quản vào khi dẫn tinh.

Âm vật

Giống như dương vật được thu nhỏ lại, trên âm vật có nếp da tạo mũ âm vật, giữa âm vật được bẻ gấp xuống dưới – Đây là nơi tập trung của các mút dây thần kinh

Tiền đình

Tiền đình là giới hạn giữa âm hộ và âm đạo, nơi có lỗ nước tiểu từ bàng quang thoát ra (cách mép ngoài âm hộ 8 – 10 cm về phía đáy là lỗ niệu đạo). Đây là điểm cần chú ý khi TTNT.

Bộ phận sinh dục bên trong

Âm đạo

Âm đạo là một ống tròn, là nơi chứa dương vật khi giao phối trực tiếp, là bộ phận cho thai đi ra ngoài trong quá trình sinh đẻ và là đường dẫn ống tinh quản đến lỗ tử cung khi phối nhân tạo.

Độ dài của âm đạo từ 24 – 30 cm, thành âm đạo có ba lớp cơ: cơ liên kết ở ngoài, lớp cơ trơn (gồm cơ dọc bên ngoài và cơ vòng bên trong) và lớp cơ niêm mạc bên trong tiết nhiều chất nhờn tạo độ trơn cho thành âm đạo, nhất là trong giai đoạn động dục. Phần cuối âm đạo (nơi tiếp giáp với lỗ cổ tử cung) thành âm đạo bao quanh lấy phần lồi của lỗ cổ tử cung tạo thành hốc cụt mà nhiều người thường nhầm là lỗ cổ tử cung khi thụ tinh nhân tạo.

Tử cung

Tử cung gồm 3 phần: cổ, thân và sừng tử cung

Cổ tử cung

Cổ tử cung là một cái ống dài 6 – 10 cm có thành dày, luôn khép kín và chỉ mở khi hưng phấn cao độ, hoặc lúc sinh đẻ hay bị bệnh. Niêm mạc cổ tử cung tạo thành 3 – 5 nếp nhãn, các nếp nhăn này tạo thành những van khép để bảo vệ vật lạ không lọt vào trong tử cung, nhưng nó cũng là những trở ngại hay vật cản khi đưa ống tinh quản vào thân tử cung, vì chúng tạo thành đường đi khúc khuỷu. Lỗ cổ tử cung nhô ra phía âm đạo và luôn khép kín, khiến cho nhiều kỹ thuật viên khó xác định lỗ cổ tử cung để đưa đầu ống dẫn tinh xuyên qua và hay nhầm với hốc cụt xung quanh, cổ tử cung tiết ra các chất nhờn để luôn làm trơn rãnh tử cung và bảo vệ cho tử cung, là nơi rất thích hợp cho tinh trùng sống và tồn tại.

Khi sờ khám cổ tử cung qua trực tràng, nếu cầm vào cổ tử cung ta có cảm giác thấy hơi cứng, như có đoạn sụn.

Các nếp nhăn trong cổ tử cung

Các nếp nhăn trong cổ tử cung

1. Thành âm đạo 7. Lớp cơ tử cung 2.Thành tử cung 8.Cơ vòng tử cung 3, 4, 5, 6. Vòng nhẫn thân tử cung 9. Cơ dọc từ cung

Thân tử cung

Là phần kế tiếp theo của cổ tử cung, giáp với chỗ nối của 2 sừng tử cung. Thân tử cung bò rất ngắn nó, là một ống dài 2 – 4 cm, khi khám qua trực tràng cảm thấy mềm hơn so với cổ tử cung. Đây là địa điểm phân chia tinh trùng vào 2 sừng tử cung.

Sừng tử cung

Bò có hai sừng tử cung là 2 ống hình tròn, thuôn cong theo dạng hình sừng cừu. Phần đầu sừng tử cung tiếp giáp với thân tử cung tạo thành rãnh giữa tử cung. Rãnh giữa tử cung dài 3 – 5 cm có tác dụng phân biệt tử cung lúc bình thường, lúc có chửa hay bệnh lý. Sừng tử cung bình thường dài 20 – 40 cm, đường kính từ 2 cm trở lên. Tử cung có thành dày, đàn hồi và có nhiều mạch máu. Đây là nơi làm tổ của phôi và sau đó phôi phát triển thành thai. Khi phối giống, nếu đưa ống tinh quản đi quá thân tử cung sẽ vào đến sừng tử cung có thể gây chảy máu hoặc thủng và gây viêm nhiễm niêm mạc sừng tử cung.

Ống dẫn trứng (vòi fallop)

Tiếp theo mỗi sừng tử cùng là ỗng dẫn trứng. Ống dẫn trứng là ống rất nhỏ và ngoằn ngoèo dài 20 – 30 cm đường kính 1 – 2 mm. Phần tiếp giáp với buồng trứng thì phình to ra như cái phễu ôm gần sát buồng trứng, phễu này hứng trứng rụng vào ống dẫn trứng. Nếu gặp tinh trùng ở ống dẫn trứng thì sẽ được thụ tinh ở 1/3 phía trên gần buồng trứng tạo ra hợp tử và phôi, sau đó di chuyển về làm tổ ở sừng tử cung.

Buồng trứng

Buồng trứng bò có hình bầu dục, nằm trong xoang chậu, gần mút sừng tử cung, cạnh trước xương ngồi, dài từ 1,5 – 3 cm, rộng 1,0 – 2,0 cm, cao 1,5 cm, khối lượng 10 – 20 g. Khối lượng và kích thước buồng trứng thay đổi phụ thuộc tuổi, tầm vóc, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, mùa vụ và trạng thái sinh lý con vật. Khối lượng và kích thước đạt cao nhất ở giai đoạn động dục. Buồng trứng có thể dễ dàng sờ thấy dọc theo phía bên cạnh sừng tử cung.

Buồng trứng có 2 chức năng: là nơi sản sinh ra trứng và tiết ra các hormon tham gia điều khiển chu kỳ sinh sản của bò cái.