Phân biệt giới tính lươn

Hình đại diện Phân biệt giới tính lươn
Hình đại diện Phân biệt giới tính lươn

Ngay cả việc phân biệt giới tính của lươn ra sao nhiều người cũng còn lẫn lộn, nếu không muôn nói là chưa biết rõ.

Trước đây chưa lâu, chỉ khoảng vài ba mươi năm thôi, nhiều người còn bàn cãi với nhau về những thắc mắc liên quan đến việc sinh sản của lươn, vì đa số không ai biết loại cá đồng này sinh sản ra sao. Có người cả đời cứ tin rằng lươn đẻ ra con chứ không phải đẻ ra trứng như các loài cá đồng khác. Có người lại bảo rằng cả đời đã từng làm thịt rất nhiều lươn, nhưng chưa bao giờ phát hiện trong bụng chúng có trứng(?).

Thậm chí có người còn lẫn lộn con lươn sống trong đồng ruộng nước mình với con Anguille sống ở đồng ruộng châu Âu, châu Phi… Mà khổ nỗi tra cứu trong một số sách Từ điển Pháp – Việt vào thời ấy, nhiều tác giả cũng viết con Anguille là con lươn. Một số ít thì dịch là cá chạch. Lại cũng có một số ít bài báo đoan chắc con Anguille là con lươn, mà tự họ nhận không phải chỉ có tai nghe, mà còn tận mắt thấy, và được ăn nó nữa! Vậy thì đúng sai ra sao?

Có điều nông dân mình ai cũng biết chắc “như đinh đóng cột” là con lươn nó đẻ trong ruộng đồng (bằng chứng là loại lươn con vào những tháng giữa năm xuất hiện vô số trong các ao hồ kênh rạch, lớn nhỏ đủ cỡ), còn con Anguille thì mang bụng trứng trong đồng nước ngọt, nhưng vào mùa sinh sản lại phải bơi ra tận biển Sargasse giữa Đại Tây Dương mới đẻ trứng và nở con! Như vậy đích thị Anguille không phải là giống lươn đồng của mình.

luon sinh san

Có người cho con Anguille là con lịch. Con lịch thì chúng ta quả có nghe tên, nhưng chắc cũng ít ai tận mắt thấy nó ra sao, và cách sinh sản như thế nào.

Ngay cả việc phân biệt giới tính của lươn ra sao nhiều người cũng còn lẫn lộn, nếu không muôn nói là chưa biết rõ. Cũng do lẽ đó mà trước đây hơn bốn thập kỷ, khi phong trào nuôi lươn bùng phát ở một số tỉnh thành phía Nam, nhiều người đều chỉ nghĩ đến mỗi một việc nuôi lươn thịt mà thôi, mặc dù ai cũng mong muốn nuôi lươn giống cho sinh sản để thu được món lợi nhiều hơn!

Do chưa nắm được những điều cơ bản về đặc điểm sinh học, như tập tính cũng như điều kiện sinh sản của lươn ra sao, lại không có một tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nào trong tay, mà kinh nghiệm bản thân cũng quá ít, nên nghề nuôi lươn đến với chúng ta quá trễ, so với nhiều nước trong khu vực cũng là điều dễ hiểu, và đáng tiếc.

Tuy vậy, ngày nay, cũng như nhiều nước khác, chúng ta chỉ mới thu nhập được những điều cơ bản về ngành nghề chăn nuôi mới này mà thôi. Vì nghề nuôi lươn còn quá mới mẻ nên những nghiên cứu, cùng những kinh nghiệm liên quan đến việc nuôi lươn thu thập được chưa đến độ hoàn hảo. Ngay đối với các loài vật khác, bước đầu mới bắt tay vào việc thuần hóa như đà điểu, gà tây, ngỗng… tại các nước người ta cũng gặp tình trạng y như vậy. Chẳng hạn như chim đà điểu, dù đã được loài người thuần hóa hơn một thế kỷ, nhưng đến nay có nhiều thứ bệnh đà điểu mắc phải nhiều người vẫn chưa biết đến. Và ngay loại thức ăn thích hợp nhất để nuôi đà điểu gồm những thành phần gì để giúp con trống có khả năng phối giống tốt, giúp con mái đến tuổi phải sinh sản, và con cái chúng ít bệnh tật hơn hiện cũng được các nhà chuyên môn về giống chim này tiếp tục nghiên cứu thêm. Do đó, nuôi lươn là nghề còn quá mới, làm sao có thể giúp ta nắm bắt được đầy đủ kỹ thuật để nuôi thành công như ý muốn?

Trở lại bàn về cách phân biệt giới tính của lươn, chúng ta thấy nó cũng giống như cách phân biệt giới tính của các loài trăn rắn, chỉ cần quan sát kỹ phần đuôi của chúng là biết được:

– Phần cuối đuôi con đực vót nhọn dần, nên trông đuôi của nó như vừa dài ra.

– Phần cuối đuôi của lươn cái nở to nên trông đuôi lươn cái như ngắn lại, và thân mình nó bầu bĩnh ra.

Đó là quan sát hình dáng bên ngoài. Còn có một cách khác giúp ta biết rõ được giới tính của lươn: vào mùa sinh sản (từ tháng tư đến tháng chín Âm lịch) nếu quan sát lươn trên 2 năm tuổi, loại có trọng lượng từ 200gr trở lên, ta thấy chúng có những đặc điểm giúp ta dễ phân biệt được giới tính của chúng:

– Bụng lươn cái nở nang một cách bầu bĩnh vì bên trong có trứng. Lỗ sinh dục con cái màu hồng, hơi nở lớn, ấn nhẹ tay vào bụng thấy mềm.

– Bụng lươn đực vừa thon nhỏ vừa cứng. Lỗ sinh dục lươn đực nhỏ, có tinh dịch trong vắt tiết ra, nếu ta ấn nhẹ tay quanh khu vực đó.

Trong mùa sinh sản lươn đực và lươn cái đều mập tròn. Lươn cái bơi trong nước chậm chạp hơn lươn đực, vì bụng nó mang ổ trứng nặng nề.