Nguồn gốc lịch sử cây khoai môn, khoai sọ

Hình đại diện Nguồn gốc lịch sử cây khoai môn, khoai sọ
Hình đại diện Nguồn gốc lịch sử cây khoai môn, khoai sọ

Nguồn gốc và lịch sử phát triển cây khoai môn, khoai sọ

Cây khoai Môn, khoai Sọ Colocasia esculenta (L.) Schott là cây một lá mầm thuộc chi Colocasia, họ Araceae.

Nguồn gốc của cây khoai Môn, Sọ đang còn là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, chưa có ý kiến thống nhất của nhiều nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cây này. Tuy nhiên, gần đây nhiều tác giả đều thống nhất rằng rất nhiều dạng hoang dại và dạng trồng của cây khoai Môn, Sọ có nguồn gốc tại các dải đất kéo dài từ Đông Nam Ấn Độ và Đông Nam Á tới Papua New Guinea và Melanesia (Kuruvilla and Singh, 1981; Matthew, 1995; Lebot, 1999). Lịch sử trồng trọt cũng bắt đầu từ những vùng đất đó. Vào khoảng 100 năm trước công nguyên cây khoai Môn, Sọ đã được trồng ở Trung Quốc và Ai Cập. Trong thời tiền sử, sự trồng trọt được mở rộng tới các quần đảo Thái Bình Dương, sau đó nó được đưa tới vùng Địa Trung Hải rồi tới Tây Phi. Từ Tây Phi, cây trồng này được mở rộng tới Tây Ấn và tới các vùng nhiệt đới của châu Mỹ. Ngày nay, khoai Môn, Sọ được trồng phổ biến ở khắp các vùng nhiệt đới cũng như ôn đới ấm áp.khoai mon

Tình hình sản xuất khoai môn, sọ trên thế giới

Theo số liệu thống kê của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO) tính đến năm 2001, diện tích trồng khoai Môn, Sọ trên thế giới đạt 1,463 triệu ha (lấy số tròn), năng suất bình quân 6, 13 tấn/ha và tổng sản lượng 8,974 triệu tấn. Được phân bố ở các châu lục như sau:

Phân bố khoai Sọ (Taro - Cocoyam) trên thế giới trong những năm gần đây (lấy số tròn - FAO 2001).

Phân bố khoai Sọ (Taro – Cocoyam) trên thế giới trong những năm gần đây (lấy số tròn – FAO 2001).

Về mặt diện tích, châu Phi có diện tích lớn nhất và có xu hướng tăng dần từ 1998 đến 2001 trong lúc đó ở các châu lục khác diện tích ổn định. Về năng suất, châu Á có năng suất bình quân cao nhất (15,1 tấn/ha) và châu Phi có năng suất thấp nhất (5,23 tấn/ha).

Cùng theo số liệu của FAO năm 2001 diện tích và năng suất của các nước như sau:

diện tích và năng suất của các nước

diện tích và năng suất của các nước

Tình hình sản xuất khoai môn, sọ ở Việt Nam

Khoai Môn, Sọ chắc chắn đã là cây trồng quan trọng trong lịch sử nông nghiệp ở châu Á bao gồm cả Việt Nam, mặc dù hiện nay nó đã không còn có vai trò chính trong sản xuất lương thực vì đã được thay bằng cây lúa và các cây trồng khác. Ở nước ta khoai Môn, Sọ, đặc biệt là khoai Môn nước được thuần hóa sớm, trước cả cây lúa nước, cách đây khoảng 10.000 -15.000 năm. Nó đã từng là cây lương thực quan trọng của cư dân các vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long. Nó là giống khoai được sử dụng trong bữa ăn của người dân Việt Nam từ ngàn đời nay, góp phần quan trọng vào cơ cấu thành phần lương thực của sản xuất nông nghiệp.

Nguồn gen Môn, Sọ phân bố trong điều kiện tự nhiên rất đa dạng: được tìm thấy ở độ cao từ 1m đến 1.500m so với mặt nước biển, có giống sống trong điều kiện bão hoà nước, trong điều kiện ẩm hoặc có giống phát triển trên đất khô hạn. Có giống sinh trưởng nơi dãi nắng nhưng cũng có giống mọc trong rừng sâu cớm nắng… Sự tồn tại và phát triển của chúng chủ yếu do nhu cầu tất yếu của cuộc sống và giá trị kinh tế mà chúng mang lại cho người dân bản địa. Việc trồng và lưu giữ các giống khoai Môn, Sọ địa phương ở cấp hộ gia đình chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế xã hội như: tình trạng kinh tế, trình độ văn hóa, phong tục tập quán, quyền quản lý đất đai trong gia đình, số lượng vật nuôi và khả năng tiếp cận thị trường. Những vùng có sự phân bố lớn của khoai Môn, Sọ là: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh và Quảng Trị. Những vùng này rất đa dạng về hệ sinh thái nông nghiệp và đa dạng về văn hoá các dân tộc. Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự đa dạng về loài và giống của loại cây lấy củ này.

Kết quả điều tra của Trung tâm tài nguyên di truyền thực vật, Viện KHKT NN Việt Nam cho thấy tuy diện tích trồng Môn, Sọ có xu hướng giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn còn nhiều giống địa phương được người nông dân trồng phổ biến cả ở trong vườn nhà cũng như ngoài ruộng, trên nương; ở mọi vùng sinh thái từ đồng bằng tới cao nguyên nhờ đặc tính dễ trồng, dễ nhân và bảo quản giống đơn giản. Tại một số vùng nhiều nông dân trồng với diện tích lớn các giống khoai Môn, Sọ có giá trị kinh tế (đặc biệt ngon, dùng làm bánh, năng suất củ và dọc lá cao) (Nguyễn Ngọc Huệ và CS, 2003; Trương Văn Tuyển và cs 2003).

Cụ thể, tại Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, giống khoai Môn ruột vàng Hậu Doàng được

trồng với diện tích lớn, bởi vì giống này thích nghi tốt với điều kiện đất đai trong vùng và có chất lượng ngon, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Môt vài giống khoai Môn, Sọ như khoai Lúi dọc xanh, khoai Sọ dọc tím có chất lượng tốt, kích thước vừa phải được thị trường rất ưa chuộng, đang được trồng làm hàng hóa với diện tích lớn, tập trung ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Tại thôn Đồng Lạc, Nghĩa Hưng, Nam Định có hai giống khoai Tía Riềng và khoai Nước cũng được hầu hết các nông hộ trồng với mục đích sử đụng thân, lá, củ làm thức ăn chăn nuôi. Ở Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, khoai Môn là cây trồng phụ nhưng nó là nguồn quan trọng đóng góp vào thu nhập của nông hộ, đứng hàng thứ hai sau cây lúa (Nguyễn Ngọc Để và Nguyễn Minh Hải, 2003). Tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, khoai Môn, Sọ thích nghi tốt với đất cát và có vai trò quan trọng trong chăn nuôi lợn, tăng thu nhập và làm giảm bớt sự thiếu lương thực.

khoai so

Trồng khoai Sọ là một phần của phát triển hệ thống canh tác trong nông hộ của vùng này, do đó đa dạng khoai Môn, Sọ được duy trì cho nhiều nhu cầu khác nhau của nông hộ. Tại Lạng Sơn, khoai Môn, Sọ được trồng khá phổ biến và là cây mang tính đặc sản, là nguồn thu nhập của nhiều hộ nông dân. Khoai Môn, Sọ ở đây đã tiếp cận được với thị trường của Hà Nội và Trung Quốc. Tuy nhiên theo Nguyễn Thế Chinh, (2003), để thực sự cây khoai Môn Lạng Sơn có chỗ đứng bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương thì sản phẩm đầu ra của nó phải có thị trường ổn định và ngày càng được mở rộng.

Như vậy có thể nói, mặc dù thực tiễn tồn tại và vai trò của khoai Môn, Sọ trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam là không thể phủ nhận và được xã hội thừa nhận, nhưng chỗ đứng của chúng ở đâu trong phân nhóm phát triển kinh tế là vấn đề khó giải thích theo cách phân loại thống kê hiện nay. Tuy chưa có số liệu thông kê cụ thể về diện tích và sản lượng, song kết quả điều tra của Chương trình cây có củ quốc gia năm 1993 cho thấy hàng năm có khoảng 15.000ha Môn, Sọ được trồng với năng suất bình quân khoảng 8-13 tấn/ha tuỳ giống (Trường Văn Hộ, 2000).

Trong tương lai gần khoai Môn, Sọ sẽ được phát triển trong những điều kiện sinh thái mà những cây trồng khác rất khó tìm thấy chỗ đứng. Trong sản xuất ít nhất cây khoai Môn, Sọ có thể phát triển được trên các chân đất sau:

Đất ngập và đất hầu cùng với cây lúa của các vùng trũng.

Một số giống Môn, Sọ có tính chống chịu tốt với đất mặn (25 – 50% nước biển)

Khoai Môn, Sọ là loại cây có thể phát triển tốt trong điều kiện bị che bóng, vì thế nó là cây trồng lý tưởng để trồng xen với các cây thân gỗ như dừa, cây ăn quả…

Ngoài ra Môn, Sọ còn là loại cây mang tính văn hoá truyền thống, đặc biệt là trong văn hoá ẩm thực của người Việt Nam. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy, nguồn gen Môn, Sọ được bảo tồn khá tốt trong các vườn gia đình và tại một số vùng có truyền thông sản xuất khoai Môn, Sọ như huyện Yên Thuỷ và Đà Bắc tỉnh Hoà Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng…

Hiện nay phát triển khoai Môn, Sọ trong sản xuất còn gặp một số khó khăn như nó là cây có thời gian sinh trưởng dài, chiếm đất lâu, chưa thực sự có thị trường, chế biến còn hạn chế do thiếu công nghệ phù hợp. Tuy nhiên, với những nỗ lực trong nghiên cứu chọn tạo giống ngắn ngày và nếu có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho khâu chế biến và tạo thị trường, hy vọng cây khoai Môn, Sọ sẽ giữ được vị trí của nó trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm, tạo thu nhập cho người trồng thông qua thị trường trong nước và quốc tế và vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá xã hội của người dân.