Chăm sóc cây xương rồng bát tiên

Hình đại diện Chăm sóc cây xương rồng bát tiên
Hình đại diện Chăm sóc cây xương rồng bát tiên

Trồng kiểng Xương rồng Bát Tiên công chăm sóc không nhiều, và cũng không khó khăn.

Nếu trồng số lượng ít khoảng mươi chậu trở lại thì việc chăm sóc có thể không cần đặt thành vấn đề, vì đó là việc nhỏ. Nhưng nếu trồng với số lượng nhiều thì việc chăm sóc có phần bận rộn, nhưng cũng không đến nổi phải cập nhật hàng ngày. Vì như bài trước chúng tôi đã nói Xương rồng Bát Tiên vốn là giống cây “dễ trồng, dễ sống”‘ nên việc chăm sóc cùng nhẹ công.

Tưới nước: Công việc chăm sóc kiểng Xương rồng Bát Tiên, tưới nước cho cây là việc đáng quan tâm hàng đầu.

Vào mùa nắng, ta nên tưới cây từ một đến hai lần. Và trong mùa mưa, một tuần tưới một, hai lần cũng được.

Nước tưới chỉ cần đến số lượng ít, vì giúp đất trồng đu độ ẩm mà thôi. Đủ độ ẩm ở đây là ẩm đất toàn chậu, chứ không phải chỉ ẩm ở tầng đất trên mặt mà thôi. Muốn được vậy, ta dùng vòi sen với tia nước nhỏ tưới qua một lần cho nước thấm dần xuống dưới sau đó trở lại tưới thêm lần nữa thì nước tưới mới thấm sâu tận đáy chậu được. Chỉ khi nào thấy phần nước thừa thoát ra dưới đáy chậu thì mới biết chắc là đất đã đủ ẩm từ trên xuống tận dưới … Nếu chỉ tưới sơ qua thì đất trong chậu chỉ ẩm ở tầng mặt mà thôi, đất đáy chậu vẫn khô rang, khiến cây thiếu nước để sống.

Khi cây kiểng chưa trổ hoa thì nên tưới nước từ ngọn cây trở xuống. Ngược lại, trong thời kỳ cây ra hoa ta nên tưới dưới gốc mà thôi, vì nếu tưới nước thẳng vào hoa, hoa sẽ mau tàn.

Xương rồng Bát Tiên không thích nghi được với môi trường trường nước, vì vậy khi trời mưa to ta nên dời chậu vào nơi có mái che. Hoặc khi tưới nước mà thấy nước trong chậu chậm rút, thì nên kiểm soát lại các lỗ thoát nước dưới đáy chậu xem có bị tắc nghẽn hay không.

Bón thúc: Phân bón là thức ăn chính cần có để nuôi sống cây trồng. Vì vậy hễ trồng đất thiếu màu mỡ thì cây sẽ sinh trưởng kém, phát triển chậm. Dù trước khi trồng, đất trong chậu đã được bón lót đầy đủ, nhưng sau một thời gian trồng, đất sẽ mất dần chất dinh dưỡng để nuôi cây. Đây là dịp ta cần bổ sung thêm vào chậu. Công việc bón thúc này nên thực hiện đúng định kỳ mỗi tháng một lần, hay hai tháng một lần để giúp cây trồng được tươi tốt hơn.

Phân bón thúc cho Xương rồng Bát Tiên tốt nhất là dùng phân NPK (N: đạm, P: lân, và K: kali).

Xương rồng Bát Tiên có xuất xứ từ Madagascar

Xương rồng Bát Tiên có xuất xứ từ Madagascar

Thời kỳ cây còn nhỏ cây cần nhiều đạm để phát triển nhanh, nảy chồi khỏe, vì vậy ta nên bón đạm nhiều hơn các thành phần lân và kali. Vậy nên bón theo công thức 30 – 10 – 10 (tức là 3 đạm, 1 lân và 1 kali).

Sang thời kỳ cây sắp trổ hoa thì nên tăng lượng lân (P) cao hơn đạm (N) và kali (K). Vậy nên bón theo công thức 10 – 30 – 10, hoặc 15 – 30 – 15 cũng được.

Đến giai đoạn cây trổ hoa thì nên bón thúc lượng kali (K) cao hơn đạm (N) và lân (P) vì kali (K) có công dụng thúc đẩy cho cây sai hoa, hoa to, và sắc hoa tươi đẹp, và đồng thời cũng giúp cây phát triển mạnh hơn. Ta nên bón theo công thức 10 – 10 – 30.

Theo kinh nghiệm của riêng mình, quí vị có thể bón phân theo công thức khác, biết đâu sẽ đem lại kết quả khả quan hơn. Ta có thể thay phân vô cơ bằng phân hữu cơ cũng được, nhưng ảnh hưởng không mạnh bằng và cùng không nhanh bằng. Có người bón phân bánh dầu, hoặc dùng nước tiểu pha với nước lã để tưới cho cây kiểng này vẫn tốt.

Bài trừ cỏ dại: Đất trồng trong chậu vốn màu mỡ, và lúc nào cùng giữ được độ ẩm cần thiết nên là môi trường sống tốt dể cỏ dại tung hoành nẩy nở. Việc bài trừ cỏ dại nếu làm tốt sẽ giúp cây kiểng của ta có nhiều chất dinh dưỡng để sống tốt, vì ai cùng biết, cỏ dại tranh ăn chất màu của cây.

Sửa cành tạo tán: Chăm sóc cây kiểng Xương rồng Bát Tiên tươi tốt là chuyện đáng mừng. Nhưng cây tươi tốt đến độ cành lá rập rạp, rườm rà lại không phải là điều hay. Vì rằng cây mà nhiều cành rậm lá quá thì thế nào cũng ảnh hưởng xấu đến việc ra hoa, đó là chưa nói đến việc các loại côn trùng sẽ lợi dụng sự tối tăn rậm rạp đó mà ra sự phá hại cây trồng.

Vì vậy, việc sửa cành tạo tán là việc thỉnh thoảng ta nên làm. Muốn cho cây có tán đẹp thì phải cắt tỉa không thương tiếc những cành mọc không đúng cách, những cành yếu ớt hay xét ra dư thừa. Chính nhờ vào việc cắt tỉa này mà cây kiểng mới thông thoáng, bớt rậm rạp ; cây sẽ dồn sức để nuôi bộ phận tạo hoa kết trái.

Cành lá cây Xương rồng Bát Tiên thường rườm rà ở phần ngọn, và thưa thớt ở phần gốc, vì vậy việc sửa cành tạo tán nên tập trung ở phần ngọn nhiều hơn, như vậy phần này hoa mới có cơ hội tốt để sinh sôi nẩy nở ra nhiều được.

Sang chậu: Có nhiều lý do để sang chậu cho kiểng Xương rồng Bát Tiên: như cây non nay đã trưởng thành mà trước đây trồng trong chậu nhỏ nên không còn thích hợp nữa. Hoặc do chậu tuy còn vừa nhưng bị nứt, bị mẻ cần phải thay chậu mới … còn có lý do chinh dáng phải sang chậu, đó là đã đến lúc thay toàn bộ đất cũ đã hết màu mỡ bằng đất mới để cung cấp kịp thời chất bổ dưỡng nuôi cây.

Đất trong chậu dù màu mỡ đến đâu, tơi xốp đến đâu, sau một thời gian đem trồng, cây kiểng đã rút tỉa hết chất bổ dưỡng nên bị chai cứng. Đất này được coi là đất chết cần phải thay ngay.

Việc sang chậu trong trường hợp này thường nên tiến hành sáu tháng một lần, hoặc mỗi năm một lần, và nên thực hiện trước mùa mưa.

Trước khi sang chậu ta nên tưới đẫm nước để đất trong chậu được mềm ra, điều đó sẽ giúp ta bứng cây cũ ra khỏi chậu dễ dàng mà không hại đến phần rễ. Đất cũ trong chậu được đổ hết ra, cọ rửa sạch, nếu cần đem phơi chậu ra nắng vài giờ để nhờ ánh nắng mặt trời tận diệt hết những mầm bệnh bám vào thành chậu. Sau đó, cho đất mới vào và trồng cây lại như cũ.

Trong trường hợp này nếu có sẵn chậu mới để thay thế thì tốt hơn, và mọi thao tác sẽ nhanh hơn. Tất nhiên, chậu cũ sẽ được cọ rữa, phơi phóng kỹ để dành lại dùng lần sau.

Khi chậu đá có đất mới, ta nên tưới sơ qua cho đất đủ ẩm, rồi dời chậu vào nơi mát mẻ một thời gian để cây kiểng mau hồi sức.

Công việc sang chậu không có gì khó khăn nặng nhọc, nhưng nên làm cẩn thận để tránh đổ vỡ hoặc tổn hại đến sức khỏe cây trồng .

Ngoài những công việc chính đó ra, ta còn phải quan tâm đến những việc lặt vặt nhưng cũng không kém phần quan trọng khác, như thỉnh thoảng nên sửa sang lại các mương rãnh thoát nước trong vườn để nếu cần thì kịp thời nạo vét để tránh nước bị đọng ; quan tâm nhất là trong những tháng của mùa mưa. Việc kiểm soát các lỗ thoát nước dưới đáy chậu đế xem có bị tắc nghẽn do đất đai hoặc rễ cây mọc dài chèn bít khiến nước tưới bị ứ đọng làm rễ cây bị thối …Đó là chưa nói đến việc bài trừ sâu rầy phá hại cây kiểng quí …