Trồng Lily trong chậu

Hình đại diện Trồng Lily trong chậu
Hình đại diện Trồng Lily trong chậu

Do trồng Lily trong chậu, lượng đất ít nên không bón được đủ dinh dưỡng. Vì vậy thường xảy ra hiện tượng ức chế sinh trưởng. Tuy nhiên, trồng chậu có các ưu điểm sau:

– Nâng cao giá trị của hoa: trồng ngoài đất thì chơi cành cắt, còn trồng trong chậu có thể chơi cả cây, từ khi có nụ đến lúc hoa tàn.

– Nâng cao hiệu suất sử dụng nhà kính (có thể xếp tầng và luôn luôn luân chuyển không để lãng phí không gian nhà kính).

– Khống chế được sâu bệnh phá hoại.

– Do trồng vào chậu bằng các loại giá thể tơi xốp nên điều kiện thoát nước tốt.

– Hiệu quả kinh tế thu được cao (thường giá bán 1 cây Lily trong chậu cao gấp 1,5 lần so với giá bán 1 cành tương ứng).

Tuy nhiên, trồng Lily trong chậu cũng có nhược điểm là: tốn công chăm sóc, chi phí, đầu tư nhiều hơn.

Các bước tiến hành trồng Lily trong chậu

Chọn chất nền

Chất nền phải tơi xốp và có khả năng giữ nước tốt. Thường sử dụng hỗn hợp: chất mùn + than bùn + nham thạch theo tỷ lệ 1:1:1 hoặc đất vườn + than bùn + phân hoai mục theo tỷ lệ 1:1:1 trộn đều.

Chọn giống và củ giống

Thường dùng củ được bảo quản lạnh dài ngày. Các giống lai Á châu bảo quản 1 năm, lai Phương Đông 7 tháng. Cần chọn củ to mập, không có sâu bệnh, chu vi củ từ 14cm trở lên và củ chưa nảy mầm.

Cách trồng

Chậu để trồng có thể làm bằng chất dẻo hoặc chậu sứ có quy cách tuỳ theo mục đích kinh doanh. Thông thường kích cỡ chậu có đường kính 25cm, chiều cao 30cm, đáy đục lỗ để nước thoát dễ dàng, nhưng đường kính lỗ đáy không quá 3cm. Cũng có thể dùng chậu gỗ hoặc chậu nhựa, nhưng chậu phải chắc và không được to quá để dễ di chuyển.

Khi trồng, dưới lớp củ phải cho lớp đất dày tối thiểu 5cm và một lớp giá thể cho rễ mọc, dày tối thiểu là 8cm, mỗi chậu có thể trồng từ 3 – 12 củ. Trồng xong tưới nước ngay, đợi cho nước thấm hết rồi mới chuyển vào phòng ra rễ.

 

trong lily trong chau

 

Xử lý ra rễ

Các chậu được xếp sát nhau để tận dụng diện tích. Nhiệt độ phòng ra rễ khống chế từ 12 – 13°c. Ở nhiệt độ này thường sau 2 – 3 tuần mầm có thể mọc ra dài 8 – 10cm, lúc này có thể chuyển cây trồng vào nhà ấm.

Phòng ra rễ cần khống chế nhiệt độ theo đúng chế độ bảo ôn, thông gió tốt và cần có người chuyên trách quản lý.

Quản lý chậu

Điều chỉnh nhiệt độ

Khi trời nóng, nhiệt độ bên ngoài trên 20°c cần chuyển chậu vào trong nhà lưới và hạ thấp nhiệt trong nhà, cách làm là:

+ Che nắng.

+ Quạt gió và hơi lạnh vào nhà.

– Phun hơi nước hạ nhiệt (cứ cách 30 phút đến 60 phút phun 5 đến 10 lần).

Bón phân

Nói chung để cho củ không bị thối không nên bón quá nhiều phân lót vào chậu mà nguồn phân bón của cây chủ yếu dựa vào bón thúc.

Nguyên tắc bón phân là: thời kỳ đầu bón đạm là chính, thời kỳ sau bón hỗn hợp NPK, khi có nụ bổ sung lân và kali.

Cách bón: Thời kỳ đầu hoà vào nước tưới, về sau phun lên lá là chính, lượng bón, số lần bón giống như trồng ở ngoài đất.

Tưới nước

Trồng trong chậu, khi tưới nước dễ lọt qua, gây tổn thất lớn về nước nên phải thường xuyên bổ sung nước cho cây; có thể kết hợp giữa tưới và phun. Phun nước còn làm tăng được độ ẩm không khí, mỗi tuần tưới 2 lần và kết hợp với bón phân.

Các cách chăm sóc khác

Sau khi trồng lấp đất tối thiểu 8cm, song do quá trình tưới nưóc, đất xẹp xuống hoặc rửa trôi nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của rễ. Vì vậy, trong quá trình sinh trưởng cần bổ sung đất mặt và chú ý khi tưới dùng bơm áp lực nhỏ tưới từ từ để tránh phân trong chậu bị rửa trôi.